Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (tên tiếng Anh là Climate Finance Accelerator, viết tắt là CFA) là chương trình hỗ trợ kỹ thuật toàn cầu do chính phủ Vương Quốc Anh tài trợ nhằm hỗ trợ trực tiếp các dự án khí hậu trong việc tiếp cận nguồn lực tài chính. CFA được triển khai ở mười quốc gia (gồm Việt Nam, Colombia, Nigeria, Mexico, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi, Peru, Ai Cập, Pakistan, Uganda) nhằm mục tiêu khuyến khích cung cấp dòng tài chính cần thiết để những quốc gia này thực hiện tham vọng giữ mức nóng lên toàn cầu dưới 1,5°C.
Công ty TNHH PwC (Việt Nam) là đơn vị đối tác thực hiện chương trình CFA tại Việt Nam. Đến với chương trình CFA, các đơn vị phát triển dự án sẽ nhận được hỗ trợ và huấn luyện, đào tạo bởi các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật, tài chính, bình đẳng giới và hòa nhập xã hội. Ngoài ra, chương trình cũng tạo điều kiện học hỏi và chia sẻ kiến thức chuyên môn giữa các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, và các nhà hoạch định chính sách. Sau khi kết thúc giai đoạn đào tạo, chương trình CFA Việt Nam sẽ tổ chức các hội thảo dành cho các đơn vị phát triển dự án và các tổ chức tài chính. Đây là cơ hội để các đơn vị phát triển dự án gặp gỡ và tiếp xúc với các nhà đầu tư và trình bày dự án của mình.
Chương trình CFA Giai đoạn 1 được triển khai từ tháng 12 năm 2022 đến tháng 5 năm 2023, với chín (09) dự án tiềm năng từ nhiều lĩnh vực khác nhau được lựa chọn để hỗ trợ xây dựng năng lực trong 2,5 tháng. Sau đó, sự kiện chính của chương trình CFA Giai đoạn 1 đã được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm 2023 để kết nối các dự án được chọn, các nhà tài trợ và nhà đầu tư, đại diện chính phủ và các bên liên quan khác.
Chương trình CFA Giai đoạn 2 được triển khai từ tháng 8 năm 2023 đến tháng 5 năm 2024. Mười một (11) dự án đến từ các lĩnh vực như năng lượng sạch và chuyển dịch năng lượng (nhiên liệu sinh khối và các công nghệ mới như nhiên liệu khí hydro/ amoniac xanh và giải pháp lưu trữ năng lượng), phương tiện giao thông điện, AFOLU (nông nghiệp, lâm nghiệp và các hình thức sử dụng đất khác), kinh tế tuần hoàn và quản lý chất thải/tái chế nhựa, sản xuất phát thải carbon thấp đã được lựa chọn tham gia. Sau bốn tháng tham gia vào các buổi cố vấn và xây dựng năng lực, các dự án sẽ có cơ hội gặp gỡ các nhà đầu tư và tổ chức tài chính tại một hội thảo vào tháng 5 năm 2024. Chi tiết về các dự án tham gia Giai đoạn 2 của chương trình có thể được tìm thấy trong phần Các dự án tham gia chương trình CFA Việt Nam Giai đoạn 2 dưới đây.
Nếu quý doanh nghiệp quan tâm đến chương trình, vui lòng đăng ký thông tin bên dưới. Chúng tôi sẽ liên hệ với quý doanh nghiệp để cung cấp thêm thông tin chi tiết về chương trình.
Về Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu Việt Nam
Chương trình CFA Việt Nam có thể hỗ trợ gì cho dự án của quý vị
CFA là chương trình mang tính thực tiễn, hướng đến các kết quả cụ thể nhằm hỗ trợ các dự án khí hậu cải thiện khả năng vay vốn và đáp ứng yêu cầu của các tổ chức tài chính.
Để có thể lập ra dự án với đủ sức hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư cũng là một thách thức. Đặc biệt, những dự án carbon thấp vẫn được đánh giá có mức rủi ro cao do các công nghệ và mô hình kinh doanh còn mới, chưa được nhiều người biết đến và hiểu rõ. Các rào cản về mặt quy định và chính sách cũng tạo ra trở ngại trong việc tiếp cận nguồn vốn ở quy mô lớn.
Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu cung cấp nhiều hình thức hỗ trợ nâng cao năng lực để giúp các dự án giảm nhẹ các vấn đề khí hậu tiếp cận các nguồn lực tài chính.
Xin lưu ý rằng chương trình CFA không trực tiếp cung cấp tài chính cho các dự án.
Beginning of dialog window. Escape will cancel and close the window.
End of dialog window.
Playback of this video is not currently available
1:09
Giới thiệu chương trình CFA Việt Nam
Xây dựng năng lực
Đơn vị phát triển dự án sẽ nắm bắt được những thông tin chuyên sâu giá trị và xây dựng năng lực để phát triển được các dự án hấp dẫn và sẵn sàng để gọi vốn. Khi tham gia hoạt động xây dựng năng lực, các đơn vị phát triển dự án sẽ được tìm hiểu và đối sánh với các dự án có khả năng vay vốn hoặc các dự án thành công, giúp các đơn vị này tự tin tiếp cận các tổ chức tài chính cũng như được đào tạo về cách cấu trúc tài chính cho dự án. Chương trình cũng thúc đẩy hoạt động chia sẻ các thông lệ tốt nhất giữa các quốc gia triển khai chương trình CFA.
Tiếp cận mạng lưới các nhà đầu tư
Chương trình CFA cung cấp cho các đơn vị phát triển dự án thêm nhiều cơ hội tiếp cận nguồn lực tài chính thông qua hình thức làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng. Qua các buổi làm việc, các đơn vị phát triển dự án sẽ nắm bắt được nhu cầu của nhà đầu tư để từ đó xây dựng dự án cho phù hợp. Thông qua mạng lưới của chương trình CFA, các đơn vị phát triển dự án có cơ hội tiếp cận với các nhà đầu tư thương mại, cũng như các tổ chức cho vay ưu đãi trong và ngoài nước.
Cơ hội kết nối mạng lưới
Các đơn vị phát triển dự án sẽ có cơ hội mở rộng mạng lưới với các bên liên quan chính trong lĩnh vực tài chính khí hậu. Cụ thể, các bên liên quan này có thể là các tổ chức tài chính trong và ngoài nước, các nhà hoạch định chính sách, các đơn vị nghiên cứu, các tổ chức tư nhân khác, cùng với nhóm các dự án đang đối mặt với những thách thức tương tự. Mạng lưới này sẽ mang lại cho các đơn vị phát triển dự án nhiều lợi ích lâu dài cùng các cơ hội trong lĩnh vực carbon thấp ở hiện tại và trong tương lai.
Đạt được các mục tiêu phát thải carbon thấp
Chương trình CFA hỗ trợ các dự án hình thành và quảng bá những tác động tích cực của mình. Với đội ngũ chuyên gia trong lĩnh vực khí hậu, chuyên gia trong ngành và chuyên gia về tác động xã hội, chương trình CFA sẽ giúp các dự án đóng góp vào các mục tiêu khí hậu của quốc gia và địa phương, cũng như góp phần đạt được các lợi ích khác như giảm nghèo, tăng cường bình đẳng giới và hòa nhập xã hội, khắc phục tình trạng mất đa dạng sinh học.
Chi tiết đăng ký dự án
Các loại dự án mà chương trình hỗ trợ
Chương trình CFA hỗ trợ các dự án carbon thấp đang có nhu cầu tìm kiếm nguồn tài chính.
Các dự án đăng ký đáp ứng các tiêu chí sau sẽ được ưu tiên tham gia chương trình CFA:
Dự án được thiết kế để đạt được các kết quả đo lường được về khí hậu, dựa trên lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp cắt giảm được hoặc hỗ trợ cắt giảm được.
Dự án có thể đến từ các công ty đang hoạt động tại Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp “xanh hóa” dây chuyền sản xuất và danh mục dự án, hoặc là các dự án carbon thấp mới, mang tính đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.
Có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên (không giới hạn số vốn tối đa muốn huy động). Các dự án có nhu cầu huy động vốn thấp hơn có thể được xem xét theo từng trường hợp cụ thể. Chương trình cũng khuyến khích sự tham gia của các quỹ hoặc các cấu trúc tương tự trong đó bao gồm nhiều dự án ở quy mô nhỏ hơn.
Đã đạt đến (tối thiểu) giai đoạn nghiên cứu tiền khả thi.
Có mô hình kinh doanh có thể tạo ra lợi nhuận khả thi về mặt thương mại trong dài hạn (có thể sẽ cần đáp ứng từ đầu một số yếu tố theo cơ chế vay ưu đãi).
Chương trình đặc biệt khuyến khích những dự án có thể chứng minh được các tác động xã hội tích cực cũng như các đóng góp thúc đẩy bình đẳng giới và hòa nhập xã hội.
Các lĩnh vực thuộc phạm vi hỗ trợ của chương trình CFA bao gồm (nhưng không giới hạn) tới các lĩnh vực sau:
Năng lượng sạch và chuyển dịch năng lượng (bao gồm nhưng không giới hạn ở năng lượng sạch - điện gió ngoài khơi, điện gió trên bờ, điện mặt trời áp mái; trạm điện năng lượng mặt trời; nhiên liệu sinh khối, sản xuất năng lượng từ rác; nhiên liệu bền vững; cơ sở hạ tầng truyền tải/ hành lang truyền tải xanh, chuyển đổi nhiên liệu nhà máy điện than, các công nghệ mới như nhiên liệu khí hydro, các thử nghiệm về công nghệ lưu trữ / hệ thống pin lưu trữ năng lượng (BESS), hồ thủy điện tích năng, pha trộn nhiên liệu; thu giữ carbon, công nghệ thu giữ, sử dụng và lưu trữ carbon (CCUS), và các dự án chuyển đổi nhiên liệu từ nhiên liệu khí gas linh hoạt và khí thiên nhiên hóa lỏng (liquefied natural gas – viết tắt là LNG)/ chuyển đổi từ gas thành năng lượng điện);
Hiệu quả sử dụng năng lượng (bao gồm nhưng không giới hạn ở hiệu quả năng lượng trong các tòa nhà, khu công nghiệp, chiếu sáng đường phố, hiệu quả năng lượng đô thị, v.v…);
Phương tiện giao thông điện;
Cấp nước;
Phi carbon hóa trong lĩnh vực xây dựng (bao gồm nhưng không giới hạn ở xây dựng xanh, vật liệu xây dựng xanh, công nghệ xây dựng xanh);
Xử lý nước thải;
Quản lý chất thải (bao gồm nhưng không giới hạn ở tái chế nhựa);
Sản xuất phát thải carbon thấp (bao gồm nhưng không giới hạn ở các sản phẩm phát thải carbon thấp, sản xuất phi carbon hóa và các khu công nghiệp sinh thái, cụm công nghiệp sử dụng năng lượng/năng lượng sạch và các giải pháp công nghệ tiết kiệm và hiệu quả về tài nguyên);
Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Mục đích sử dụng đất khác (xanh hóa chuỗi giá trị, các giải pháp công nghệ nông nghiệp và ứng dụng số hóa thông minh); và
Kinh tế tuần hoàn
Ngôn ngữ sử dụng trong đề xuất dự án: tiếng Anh hoặc/và tiếng Việt. Chương trình đặc biệt khuyến khích hồ sơ đăng ký bằng tiếng Anh.
Để tìm hiểu thêm thông tin và đánh giá dự án có phù hợp với các tiêu chí của chương trình hay không, vui lòng liên hệ với chúng tôi tại đây
*Các tiêu chí này có thể thay đổi. Nếu quý doanh nghiệp quan tâm tới chương trình, vui lòng đăng ký thông tin bên dưới. Ban Tổ chức sẽ thông báo cho quý doanh nghiệp khi Cổng thông tin nhận đề xuất của chúng tôi mở lại.
Các mốc thời gian quan trọng của chương trình CFA Việt Nam
2 tháng 8 năm 2023
23 tháng 8 năm 2023
4 tháng 10 năm 2023
Tháng 12 năm 2023
Tháng 1 - Tháng 5 năm 2024
Tháng 5 năm 2024
Sự kiện khởi động Giai đoạn 2 (TP.HCM, Việt Nam)
Ngày bắt đầu nhận hồ sơ đề xuất dự án
Ngày kết thúc nhận hồ sơ đề xuất dự án
Công bố các dự án được chọn
Thời gian diễn ra hoạt động xây dựng năng lực cho các dự án được chọn
Sự kiện hội thảo của chương trình CFA Việt Nam
*Các ngày dự kiến của chương trình có thể thay đổi.
Cách thức chương trình CFA hợp tác với các nhà đầu tư:
Chúng ta đang bước vào thập kỷ trọng điểm hành động vì khí hậu, vì thế, các tổ chức tài chính trong và ngoài nước đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ xây dựng và triển khai các dự án carbon thấp để đạt được các cam kết khí hậu mà các quốc gia đã đề ra.
Có nhiều yếu tố tác động đến dòng vốn tài chính khí hậu, trong đó yếu tố đặc biệt quan trọng chính là nguồn các dự án hiệu quả và khả thi, đủ sức hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động đầu tư trong lĩnh vực này. Các tổ chức tài chính vẫn chưa thật sự quan tâm và có kinh nghiệm đầu tư vào các dự án carbon thấp ở những thị trường này, do đó, khẩu vị rủi ro hoặc mức độ sẵn sàng đầu tư còn thấp đối với các dự án này.
Chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu (CFA) được thiết kế nhằm hỗ trợ các đơn vị phát triển dự án và các tổ chức tài chính có cơ hội làm việc cùng nhau để đầu tư vào các dự án carbon thấp.
Lợi ích mà các tổ chức tài chính sẽ nhận được khi tham gia chương trình CFA:
Tiếp cận được nguồn dự án carbon thấp
Chương trình CFA mang lại cho các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế cơ hội tiếp cận và tương tác chặt chẽ với nguồn dự án carbon thấp, đáng tin cậy, có thể tạo ra lợi nhuận. Các dự án nhận được sự hỗ trợ của chương trình CFA đều có tính bền vững về mặt xã hội và môi trường, đóng góp vào sự phát triển bền vững và hòa nhập.
Chia sẻ các thông lệ tốt nhất và xây dựng năng lực
Khi tham gia chương trình CFA, các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế sẽ có cơ hội tìm hiểu tường tận về các cơ chế tài chính thay thế, đơn cử như phương pháp tiếp cận đổi mới sáng tạo để cấp tài chính hỗn hợp và tài chính xanh, cũng như có hiểu biết sâu sắc hơn về vị thế của các dự án xuyên suốt “chuỗi cung ứng tài chính khí hậu” - từ bước khởi tạo dự án, phát triển, cấp vốn và tái cấp vốn.
Tăng cường mạng lưới các bên liên quan
Chương trình CFA sẽ thúc đẩy các tổ chức tài chính trong nước nâng cao uy tín và vị thế để mở rộng mạng lưới của mình. Chương trình CFA mang đến cơ hội cho các tổ chức tài chính, các đơn vị phát triển dự án, các đại diện chính phủ ở cấp trung ương và địa phương, các ngân hàng và cơ quan trong nước và quốc tế trong việc tăng cường quan hệ hợp tác trong lĩnh vực này. Mạng lưới này sẽ mang lại cho các đơn vị phát triển dự án nhiều lợi ích lâu dài đến từ các cơ hội trong lĩnh vực carbon thấp trong hiện tại và tương lai.
Chia sẻ kiến thức và kỹ năng
Các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế tại Việt Nam có thể chia sẻ kiến thức và kỹ năng với các đơn vị phát triển dự án, nhằm hỗ trợ các đơn vị này xây dựng dự án có khả năng kêu gọi đầu tư tốt hơn. Hoạt động này cũng sẽ giúp các tổ chức tài chính nắm bắt được mức độ sẵn sàng của dự án.
Các dự án tham gia chương trình CFA Việt Nam Giai đoạn 2
Giai đoạn 2 của chương trình CFA Việt Nam chính thức ra mắt vào ngày 2/8/2023 với sự hiện diện của Quốc vụ khanh Graham Stuart, phụ trách An ninh Năng lượng và Trung hoà Carbon, Bộ An ninh Năng lượng và Trung hoà Carbon của Vương quốc Anh, cùng hơn 100 người tham dự trực tiếp và trực tuyến bao gồm các nhà đầu tư, các bên phát triển dự án, các dự án tham gia Chương trình CFA Việt Nam Giai đoạn 1, các hiệp hội doanh nghiệp, đại diện chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh.
Sự kiện toàn quốc - Giai đoạn 1
15-16/05/2023 - Hà Nội, Việt Nam
Sự kiện chính của Chương trình CFA Việt Nam - Giai đoạn 1 đã diễn ra vào ngày 15-16/5/2023, với hơn 80 người tham dự bao gồm các đơn vị phát triển dự án, các nhà đầu tư, chuyên gia về khí hậu, đại diện chính phủ, hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo Công ty PwC.
Chương trình CFA có cấp tài chính cho các dự án được chọn không?
Một đơn vị phát triển dự án có thể nộp đề xuất cho nhiều dự án không?
Các dự án được xây dựng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có được đăng ký tham gia chương trình không?
Các dự án có liên quan đến đồng phát (điện nhiệt kết hợp) có được đăng ký tham gia không?
Có thể thực hiện thay đổi hoặc chỉnh sửa sau khi đã nộp đề xuất dự án không?
Dự án có nhu cầu huy động vốn dưới 5 triệu USD có được đăng ký tham gia không?
Những công cụ tài chính nào sẽ được sử dụng cho từng dự án?
Chúng tôi có thể nộp đề xuất dự án vào bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký đúng không?
Chương trình CFA có cấp tài chính cho các dự án được chọn không?
Chương trình CFA không cung cấp hoặc đảm bảo tài chính cho các dự án. Chương trình chỉ tạo điều kiện cho các dự án tiếp cận các nhà đầu tư phù hợp, xây dựng năng lực và tạo cơ hội kết nối và gia tăng mức độ nhận diện cho các dự án, hướng đến đạt được các mục tiêu mà dự án carbon thấp đã đề ra.
Một đơn vị phát triển dự án có thể nộp đề xuất cho nhiều dự án không?
Chắc chắn có! Chương trình không giới hạn về số lượng các dự án nộp theo thư mời gửi đề xuất, với điều kiện là các dự án này đáp ứng các tiêu chí đã đề ra.
Các dự án được xây dựng bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có được đăng ký tham gia chương trình không?
Không, chương trình chỉ xem xét các dự án được hình thành tại Việt Nam. Dự án do các chi nhánh khác quản lý hoặc các dự án đối tác ở quốc gia khác có thể nộp đơn đăng ký tham gia chương trình, miễn là các dự án này được triển khai tại Việt Nam.
Các dự án có liên quan đến đồng phát (điện nhiệt kết hợp) có được đăng ký tham gia không?
Có. Chương trình đặc biệt khuyến khích các dự án có liên quan đến vấn đề đồng phát đăng ký tham gia. Vui lòng cho biết cụ thể cách thức dự án giúp giảm phát thải khí nhà kính.
Có thể thực hiện thay đổi hoặc chỉnh sửa sau khi đã nộp đề xuất dự án không?
Hồ sơ đăng ký tham gia chương trình Thúc đẩy Tài chính khí hậu được tiếp nhận qua kênh trực tuyến, do đó, sẽ không thực hiện được bất kỳ thay đổi nào trên đề xuất sau khi đã nộp. Nếu cần thiết phải thay đổi hoặc chỉnh sửa đề xuất, đơn vị phải nộp một hồ sơ đăng ký mới và thông báo với chương trình qua email về đề xuất đăng ký chính thức.
Dự án có nhu cầu huy động vốn dưới 5 triệu USD có được đăng ký tham gia không?
Có, nếu quý vị tin rằng dự án của mình sẽ tạo ra các tác động tích cực đối với khí hậu tại Việt Nam. Chương trình sẽ xem xét các dự án có quy mô huy động vốn thấp hơn theo từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên, các dự án có nhu cầu huy động vốn từ 5 triệu USD trở lên sẽ được ưu tiên.
Những công cụ tài chính nào sẽ được sử dụng cho từng dự án?
Tùy thuộc vào dự án và các đặc điểm cụ thể của dự án, các tổ chức tài chính và các nhà đầu tư sẽ đề xuất các công cụ tài chính phù hợp. Có thể kể ra một số công cụ tài chính có thể áp dụng như trái phiếu xanh, cho vay, cổ phần, hợp tác công tư và các hình thức khác.
Chúng tôi có thể nộp đề xuất dự án vào bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn tiếp nhận hồ sơ đăng ký đúng không?
Đúng, tuy nhiên, chúng tôi khuyến khích các đơn vị nộp đề xuất dự án càng sớm càng tốt vì chúng tôi sẽ xét duyệt đề xuất theo trình tự thời gian.
Hide
Get in touch
Edward Clayton
Phó Tổng Giám đốc, Dịch vụ Tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng, PwC Vietnam